Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Cần chuẩn bị gì để tìm việc trong ngành Supply Chain

HỎI:
“Em là sinh viên mới ra trường, là một sinh viên bình thường, cố gắng có được bằng loại giỏi, nhưng về các hoạt động để cho thấy sự năng động thì hầu như em không có, và cũng không có nhiều thành tích nổi bật.
Vừa bảo vệ luận án xong là em bắt đầu tìm việc làm. Em rất thích về lĩnh vực supply chain và tìm kiếm cơ hội được làm việc trong lĩnh vực này, dự sẽ đi làm 1 năm rồi đi học thạc sĩ chuyên ngành supply chain.
Khi bắt đầu tìm việc thì mọi thứ thật sự khó khăn, cơ hội rất ít cho những sinh viên như em. Hầu hết các công việc đều đòi hỏi kinh nghiệm, còn những chương trình tập sự viên thì đòi hỏi ứng viên rất giỏi, bản thân em cũng cố gắng nhiều nhưng cơ hội lại rất ít. Theo chị, những điều cần thiết cho một sinh viên như em có thể cạnh tranh để giành những cơ hội tốt là gì và phải làm sao để đạt được như vậy?”

TRẢ LỜI:
Đừng bắt đầu bằng câu “Có tới 1 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đang tìm việc, 100.000 trường đại học, hàng ngàn bạn có bố mẹ ở chức vụ cao hay có tiền, hay rất nhiều người có kinh nghiệm cũng đang đi tìm công việc mới…rồi lại nghĩ rằng mình chẳng có gì, mình rất bình thường, không có gì đặc biệt, làm sao để tìm việc?
Nên bỏ ngay tư tưởng ấy, Bạn là chính Bạn, bạn có cá tính của bạn, Bạn khác với những người khác, chỉ đơn giản là bạn chưa tìm được thế mạnh của mình, điều gì bạn thực sự yêu thích. Đừng nói rằng nền kinh tế khó khăn bởi vẫn còn rất nhiều công việc đang chờ bạn. Chính bạn là người quyết định cách mình thể hiện và thuyết phục nhà tuyển dụng nên tuyển bạn.
Một vài tấm bằng loại giỏi không giúp bạn nhiều trong chuyện tìm được việc làm như ý. Kinh nghiệm, các thành tích nổi bật, sự năng động… – những thứ mà bạn đang thiếu mới là yếu tố quan trọng nhất để giành lấy cơ hội trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh này. Bạn cố gắng rất nhiều những có lẽ là chưa đúng hướng nên chưa thành công.
Trước khi nghĩ tới chuyện cạnh tranh giành cơ hội thì hãy tìm và hiểu bản thân mình trước đã.
Bạn có biết mình thực sự giỏi việc gì? Điều gì khiến bạn khác biệt so với những ứng viên khác? Kỹ năng tốt nhất của bạn là gì? Bạn có những thành tích đáng tự hào muốn “khoe” với nhà tuyển dụng? Nếu không có câu trả lời cho những câu hỏi này, bạn đang tìm việc một cách mất phương hướng.
Tiếp theo, hãy tìm cho mình 1 công việc bạn muốn ứng tuyển.

Bạn cần xác định điều mình muốn ở một công việc, sau đó tìm một vài nhà tuyển dụng, đọc xem người ta cần gì, nhìn lại xem mình có gì. Nếu mình có >-50% điều người ta yêu cầu thì cứ thử đi. Chỉ là phỏng vấn thôi mà, rớt thì thôi, quê chứ có chết đâu mà sợ. Với lại chẳng ai mới ra trường mà có ngay kinh nghiệm cả. Và nếu ai cũng chỉ nhìn vào số năm kinh nghiệm trong CV thì có rất nhiều người chẳng thể đi làm để trở thành người có kinh nghiệm như bây giờ đâu. Đối với sinh viên mới ra trường, ngoài những kỹ năng cần thiết thì cái mà nhà tuyển dụng đánh giá cao đó chính là thái độ tích cực của ứng viên.
Bằng cấp chỉ là chìa khoá để mở cửa, sau khi bước qua cánh cửa đó rồi, kỹ năng + thái độ tích cực sẽ giúp bạn tồn tại và phát triển. Hãy nói câu này với nhà tuyển dụng “Tôi không có kinh nghiệm nhưng tôi có thể học hỏi, làm việc chăm chỉ và lương của tôi thì tất nhiên thấp hơn những người có kinh nghiệm… vào lúc bắt đầu”

Ngoài ra..
Theo nhiều nhà tuyển dụng, làm việc trái chuyên môn cũng là cơ hội để các bạn trẻ trải nghiệm, tìm ra thế mạnh của bản thân và hoàn thiện kỹ năng làm việc. Thế nên bạn có thể dành ra vài phút suy nghĩ xem mình có thể làm được những gì, cần học thêm những gì, đừng chăm chăm đi tìm công việc mơ ước mà hãy tìm công việc nào để mình có thể học hỏi được nhiều. Sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn phải học nhiều lắm bạn ạ, học những điều mà nhà trường không dạy.
Như, bạn trong tình huống trên, đặt ra kế hoạch học thạc sĩ sau khi đi làm 1 năm là hơi sớm. Trong suốt thời sinh viên, đa phần các bạn đã không năng động thì bây giờ bạn nên bỏ ra khoảng 3 năm để trải nghiệm thực tế. Điều này sẽ tốt cho sự nghiệp lâu dài của bạn. Chứ nếu có thêm tấm bằng thạc sỹ mà kinh nghiệm vẫn ít, độ xông xáo vẫn chưa có thì cũng không dễ tìm được việc làm tốt đâu. Sau 3 năm đó, bạn quyết định học thêm lên thạc sỹ cũng chưa muộn, lúc đó bạn cũng có thể cân nhắc học thạc sỹ trong nước hoặc theo các chương trình đào tạo của nước ngoài.
Túm lại, các bạn nên..
1. Xác định mục tiêu/định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
2. Kiên trì nộp đơn, tư tin nộp CV vào những vị trí mà bạn thấy phù hợp, yêu cầu công việc không quá cao (1,2 năm kinh nghiệm,…)
3. Update CV của mình lên tất cả các trang tuyển dụng: Vietnamworks, KiemViec, Linkedin…
4. Trong thời điểm hiện nay thì bạn nên lấy số lượng để bù chất lượng (nghĩa là bạn có thể chủ động nộp CV nhiều nơi khác nhau, để có nhiều cơ hội mời phỏng vấn; mở rộng phạm vi tìm việc sang các khu vực lân cận. Ví dụ, bạn không nhất thiết phải tìm được những công việc ở gần nơi bạn đang sinh sống)
5. Các bạn tự thấy mình có đam mê, nhưng đam mê là vô nghĩa nếu không đầu tư và tìm hiểu, vì thế dù là muộn, hay không nhưng bạn nên bắt đầu mày mò, tìm hiểu, nhờ thầy cô tư vấn sách vở về tự học. Tìm đọc thêm sách về Supply Chain, tiếng Anh, những vấn để về nó chứ không phải là sách học ở trường nhé, search trên Amazon
6. Ngoài ra việc “PR” bản thân thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn… cũng có tác dụng rất tốt. Tham gia các mạng xã hội sẽ giúp bạn có được những người bạn lớn tuổi giàu kinh nghiệm, có thể cho bạn lời khuyên chân thành, bổ ích. Bạn có thể nhấn mạnh kiến thức của mình thông qua những cập nhật thường xuyên trên tài khoản của mình. Bạn sẽ bất ngờ trước sức mạnh của mạng xã hội. (Điều này đặc biệt hữu khi bạn thất nghiệp.)
6. Và tất nhiên nữa, Trao dồi tiếng Anh thật nhiều (một điều mà rất nhiều người không để tâm tới), luyện với giọng Anh, Mỹ mức độ advanced ở 4 kĩ năng.
7. Hi vọng vận may sẽ tới với mình – Lạc quan là một điều rất cần thiết trong cuộc sống này. Lạc quan sẽ cho bạn niềm tin, không tin vào bản thân mình, tức là bạn đã thất bại một nửa trước khi bắt đầu.
Nhu cầu lao động của xã hội không phải là vô hạn, trong khi mỗi năm, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường với những ngành nghể khác nhau, và rồi đến một lúc nào đó, thị trường lao động + việc làm sẽ bão hoà, một số lượng lớn sinh viên sẽ không có việc làm trong một khoảng thời gian dài. Như vậy để “tồn tại” chúng ta cần phải khác biệt và vượt trội với những sinh viên mới ra trường khác, cũng như khi đã tiến hành đi làm, có kinh nghiệm, để “tồn tại” ta phải càng vượt trội + khác biệt hơn.

Chúc các bạn thành công. 

Theo Supply Chain Career
http://supplychaincareer.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét