Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Bạn hợp với nghề nào?

Nghề nào dành cho mình?
Để chọn được một nghề nghiệp thích hợp với mong muốn, sở thích và khả năng của bản thân không dễ. Hãy cân nhắc kỹ những vấn đề sau để có thể chọn cho mình một công việc hoàn toàn thích hợp.


Bạn giỏi cái gì?

Hãy làm một bản liệt kê những khả năng, kỹ năng mà bạn thành thạo nhất. Nghĩ về những nét tiêu biểu trong cá tính của bạn như sự trung thực, lòng nhiệt tình; những kỹ năng chung nhất của bạn có thể hữu ích trong nhiều loại công việc, ví như kỹ năng viết rõ ràng, mạch lạc, khả năng nói lưu loát…và những kỹ năng liên quan đến công việc mà bạn đã học được ở trường, qua luyện tập hay qua những kinh nghiệm trước đó.

Nhược điểm của bạn?

Bên cạnh những mặt mạnh, hãy nhìn ra mặt kém của mình, để không chọn nhầm những việc bạn không thể làm. Bạn cẩu thả, thiếu kiên nhẫn, bạn không thể ngồi yên một chỗ, bạn không chịu nổi cảnh ngồi điều hòa và ăn cơm hộp… chắc chắn bạn không hợp với công việc hành chính, văn phòng. Những nhược điểm cũng quan trọng lắm đấy.

Điều gì thu hút bạn?

Viết ra những thứ mà bạn ưa thích nhất. Bạn thích dùng máy tính? Bạn có khả năng và thích sửa chữa, lắp ráp máy móc? Bạn thích đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người? Bạn thích chụp ảnh? Hay bạn thích giúp người khác giải đáp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống của họ? Hãy cân nhắc tất cả những thứ mà bạn thích.

Điều gì tạo động lực cho bạn, và với bạn thì điều gì quan trọng nhất?

Bạn thích giúp đỡ người khác? Bạn thích làm những công việc về xã hội? Hay bạn thích những công việc về viết lách, biên tập? Bạn muốn một công việc sáng tạo hay một công việc thật là thú vị nhưng bình yên, ít biến động?

Những yếu tố nào được bạn coi trọng nhất: tiền lương cao hay thấp, tính độc lập trong công việc, sự thừa nhận của những người xung quanh, khả năng thăng tiến? Hãy nghĩ về những điều mà bạn thực sự muốn có ở công việc của mình.

Số tiền thực tế mà bạn muốn kiếm được là bao nhiêu?

Hãy cân nhắc thật kỹ vấn đề thu nhập - chỉ có vậy bạn mới có thể đưa ra một quyết định sáng suốt khi chọn cho mình một công việc. Nếu bạn tìm được một công việc thoả mãn tất cả những yếu tố khác, thì số tiền lương thấp nhất mà bạn có thể chấp nhận là bao nhiêu? Mức lương hợp lý mà bạn mong nhận được nằm trong khoảng nào?

Bạn sẵn sàng chịu trách nhiệm đến đâu?

Quyết định xem với công việc mà bạn mong muốn, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm đến mức nào? Tiền lương cao, vị trí cao thì cũng đồng nghĩa với trách nhiệm cao. Bạn có chịu được sức ép mà trách nhiệm đối với công việc tạo ra hay không? Bạn có giỏi giám sát công việc của người khác không? Bạn có thể chịu trách nhiệm trước kết quả làm việc của những người khác, hay của một phòng ban, một bộ phận hay không?

Bạn muốn làm việc ở đâu?

Điều này là vô cùng quan trọng nếu như bạn sống với gia đình. Nếu tìm được công việc tốt, bạn có sẵn lòng chuyển đi không? Bạn có thể đi công tác xa không, hay bạn muốn ở gần gia đình, bè bạn? Bạn muốn trụ sở cơ quan mới không quá xa nhà, hoặc tiện đường đi? Bạn muốn ngồi trong văn phòng hay thích công việc ngoài trời?

Cứ thêm vào mỗi tiêu chí, sự lựa chọn của bạn lại hẹp đi một chút, và công việc bạn chọn được cũng phù hợp với bạn hơn.

Những kiến thức đặc biệt nào là cần thiết?

Hãy liệt kê những mảng kiến thức mà bạn đã tích lũy được. Cả những thứ được coi là sở trường “sở đoản” của bạn nữa. Bạn nấu ăn có giỏi không? Bạn có khả năng trang trí nhà cửa? Bạn có hiểu biết về sửa chữa? Hay bạn giỏi về đầu tư tiền tệ?

Khi chọn lựa công việc cho mình, nên cân nhắc những công việc mà bạn có thể áp dụng một vài sở trường của bạn - nó sẽ khiến bạn trở thành một ứng viên nổi bật cho công việc đó.

Bạn muốn môi trường làm việc của mình như thế nào?

Nếu bạn đã từng trải qua một công việc, hãy nghĩ xem những điều gì mà bạn thích và không thích trong công việc đó, và hình dung ra một bức tranh về môi trường làm việc lý tưởng mà mình mong muốn. Ví dụ: Bạn thích công việc được đi công tác nhiều nơi? Bạn thích một công ty lớn hay một công ty cỡ vừa? Bạn thích môi trường làm việc yên tĩnh hay sôi nổi?

Bạn thích có những đồng nghiệp và sếp như thế nào?

Cân nhắc xem bạn muốn đồng nghiệp của mình là những người như thế nào. Nếu bạn từng làm việc với những đồng nghiệp hay xoi mói và thích “buôn dưa lê” về chuyện riêng của nhau, hay với một ông chủ quá khó chịu, bạn sẽ thấy điều này quan trọng đến thế nào.

Bạn thích làm việc cùng những người sáng tạo? Những người chăm chỉ? Những người thân thiện hay những người muốn giữ mối quan hệ công việc thuần tuý với bạn? Bạn thích một người quản lý “cầm tay chỉ việc”, hay một người để bạn làm việc độc lập và tự chịu trách nhiệm?

Sau khi cân nhắc những yếu tố trên, bạn sẽ hình dung ra nghề phù hợp nhất với mình. Điều này không chỉ giúp bạn chọn nghề tốt mà còn giúp bạn thành công trong các buổi phỏng vấn, gặp gỡ nhà tuyển dụng.

Trên thực tế, khó có thể có một công việc phù hợp với bạn 100%. Bất cứ một công việc nào cũng đòi hỏi bạn phải thỏa hiệp và học cách thích nghi. Song, cân nhắc kỹ lưỡng và toàn diện về mức độ phù hợp của bạn với công việc có thể giúp bạn tìm được những công việc gần với sở thích và khả năng của bạn nhất, và nhờ thế, bạn dễ yêu thích và thành công trong công việc mà mình đã chọn.
http://www.thegioidaynghe.com/lp-nghip/12-ban-hop-voi-nghe-nao.html

Bốn "tuyệt chiêu" cho người mới đi làm

Một bài báo gần đây trên tờ Harvard Business Review Blog Network đã cho biết, giai đoạn tháng 5/2013 tại Mỹ có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp. Và đây cũng là thực tế khắc nghiệt của những tấm bằng “vô dụng”. Ở Việt Nam cũng vậy, trong một thời điểm có quá nhiều người cần việc trong cùng một lĩnh vực, thì ắt hẳn mức độ cạnh tranh sẽ cao. Vừa mới hoàn thành tấm bằng cử nhân, kinh nghiệm còn trống, đạt một vị trí ngon lành trong một công ty lớn là giấc mơ xa vời của “những chú chim non mới rời tổ”. Bạn không có gì trong tay để các nhà tuyển dụng để mắt đến. Một số lời khuyên sau giúp bạn dễ dàng tiếp cận nhà tuyển dụng


Làm nổi bật các kỹ năng cơ bản
Bạn phân vân không biết “đào” đâu ra kinh nghiệm để làm giá trị hơn sơ yếu lý lịch nhưng bạn may mắn vì những kiến thức và kĩ năng được đào tạo suốt khóa học. Tại sao không thể hiện những kỹ năng đó, ví như: kỹ năng quản lý thời gian; nói trước công chúng; kỹ năng thuyết trình… đó là những kỹ năng rất có giá trị cho bất kỳ ngành nghề nào bạn có thể chọn trong hành trình sự nghiệp của mình. Nên nhớ rằng, giai đoạn sinh viên chính là giai đoạn rèn luyện những kỹ năng trên qua việc tham gia các hoạt động đoàn thể của nhà trường. 


Tập trung vào những điểm độc quyền
Đừng cố gắng tranh luận với những người khác rằng bạn có năng lực hơn họ. Hãy thể hiện sự độc đáo riêng của cá nhân mình. Đó có thể là một ý tưởng hay, một quan điểm lạ, một đề xuất sáng tạo trong công việc. Nhà tuyển dụng sẽ bị thuyết phục hoàn toàn khi bạn chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy sự độc đáo trong công việc của bạn


Liệt kê tất cả những gì đã có
Thậm chí nếu không có một chút xíu kinh nghiệm nào liên quan đến vị trí công việc bạn muốn tiếp cận, thì hãy đưa ra tất cả những gì bạn đã từng trải qua. Có thể đó chỉ là vị trí trông trẻ thời còn làm sinh viên, làm gia sư, nhân viên phát tờ rơi quảng cáo, PG sản phẩm…những việc này có thể là thông tin quan trọng gây ấn tượng với những nhà tuyển dụng tiềm năng. Bởi sẽ có những công ty tuyển người không chỉ vì kinh nghiệm chuyên môn mà còn đặt tiêu chí nhiệt tình, năng động, chu đáo, đam mê lên hàng đầu.

Chủ động các mối quan hệ
Hãy nhớ rằng, sự kết nối của các quan hệ cá nhân luôn được đề cao trong xã hội hiện đại vì vậy đừng đánh giá thấp sức mạnh này. Nên tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ và kết nối với những người mới. Đó có thể là những nhà tuyển dụng đã không chọn bạn, những cá nhân trong hành trình tìm việc, những trang mạng xã hội, blog. Hãy để họ biết điều bạn đang cần. Sẽ có một người trong hàng chục mối liên kết đó tìm đến bạn.

Lược dịch từ Noodle.org
http://hrvietnam.com/en/cam-nang/bon-quot-tuyet-chieu-quot-cho-nguoi-moi-di-lam.35A512CD.html

Cần chuẩn bị gì để tìm việc trong ngành Supply Chain

HỎI:
“Em là sinh viên mới ra trường, là một sinh viên bình thường, cố gắng có được bằng loại giỏi, nhưng về các hoạt động để cho thấy sự năng động thì hầu như em không có, và cũng không có nhiều thành tích nổi bật.
Vừa bảo vệ luận án xong là em bắt đầu tìm việc làm. Em rất thích về lĩnh vực supply chain và tìm kiếm cơ hội được làm việc trong lĩnh vực này, dự sẽ đi làm 1 năm rồi đi học thạc sĩ chuyên ngành supply chain.
Khi bắt đầu tìm việc thì mọi thứ thật sự khó khăn, cơ hội rất ít cho những sinh viên như em. Hầu hết các công việc đều đòi hỏi kinh nghiệm, còn những chương trình tập sự viên thì đòi hỏi ứng viên rất giỏi, bản thân em cũng cố gắng nhiều nhưng cơ hội lại rất ít. Theo chị, những điều cần thiết cho một sinh viên như em có thể cạnh tranh để giành những cơ hội tốt là gì và phải làm sao để đạt được như vậy?”

TRẢ LỜI:
Đừng bắt đầu bằng câu “Có tới 1 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đang tìm việc, 100.000 trường đại học, hàng ngàn bạn có bố mẹ ở chức vụ cao hay có tiền, hay rất nhiều người có kinh nghiệm cũng đang đi tìm công việc mới…rồi lại nghĩ rằng mình chẳng có gì, mình rất bình thường, không có gì đặc biệt, làm sao để tìm việc?
Nên bỏ ngay tư tưởng ấy, Bạn là chính Bạn, bạn có cá tính của bạn, Bạn khác với những người khác, chỉ đơn giản là bạn chưa tìm được thế mạnh của mình, điều gì bạn thực sự yêu thích. Đừng nói rằng nền kinh tế khó khăn bởi vẫn còn rất nhiều công việc đang chờ bạn. Chính bạn là người quyết định cách mình thể hiện và thuyết phục nhà tuyển dụng nên tuyển bạn.
Một vài tấm bằng loại giỏi không giúp bạn nhiều trong chuyện tìm được việc làm như ý. Kinh nghiệm, các thành tích nổi bật, sự năng động… – những thứ mà bạn đang thiếu mới là yếu tố quan trọng nhất để giành lấy cơ hội trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh này. Bạn cố gắng rất nhiều những có lẽ là chưa đúng hướng nên chưa thành công.
Trước khi nghĩ tới chuyện cạnh tranh giành cơ hội thì hãy tìm và hiểu bản thân mình trước đã.
Bạn có biết mình thực sự giỏi việc gì? Điều gì khiến bạn khác biệt so với những ứng viên khác? Kỹ năng tốt nhất của bạn là gì? Bạn có những thành tích đáng tự hào muốn “khoe” với nhà tuyển dụng? Nếu không có câu trả lời cho những câu hỏi này, bạn đang tìm việc một cách mất phương hướng.
Tiếp theo, hãy tìm cho mình 1 công việc bạn muốn ứng tuyển.

Bạn cần xác định điều mình muốn ở một công việc, sau đó tìm một vài nhà tuyển dụng, đọc xem người ta cần gì, nhìn lại xem mình có gì. Nếu mình có >-50% điều người ta yêu cầu thì cứ thử đi. Chỉ là phỏng vấn thôi mà, rớt thì thôi, quê chứ có chết đâu mà sợ. Với lại chẳng ai mới ra trường mà có ngay kinh nghiệm cả. Và nếu ai cũng chỉ nhìn vào số năm kinh nghiệm trong CV thì có rất nhiều người chẳng thể đi làm để trở thành người có kinh nghiệm như bây giờ đâu. Đối với sinh viên mới ra trường, ngoài những kỹ năng cần thiết thì cái mà nhà tuyển dụng đánh giá cao đó chính là thái độ tích cực của ứng viên.
Bằng cấp chỉ là chìa khoá để mở cửa, sau khi bước qua cánh cửa đó rồi, kỹ năng + thái độ tích cực sẽ giúp bạn tồn tại và phát triển. Hãy nói câu này với nhà tuyển dụng “Tôi không có kinh nghiệm nhưng tôi có thể học hỏi, làm việc chăm chỉ và lương của tôi thì tất nhiên thấp hơn những người có kinh nghiệm… vào lúc bắt đầu”

Ngoài ra..
Theo nhiều nhà tuyển dụng, làm việc trái chuyên môn cũng là cơ hội để các bạn trẻ trải nghiệm, tìm ra thế mạnh của bản thân và hoàn thiện kỹ năng làm việc. Thế nên bạn có thể dành ra vài phút suy nghĩ xem mình có thể làm được những gì, cần học thêm những gì, đừng chăm chăm đi tìm công việc mơ ước mà hãy tìm công việc nào để mình có thể học hỏi được nhiều. Sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn phải học nhiều lắm bạn ạ, học những điều mà nhà trường không dạy.
Như, bạn trong tình huống trên, đặt ra kế hoạch học thạc sĩ sau khi đi làm 1 năm là hơi sớm. Trong suốt thời sinh viên, đa phần các bạn đã không năng động thì bây giờ bạn nên bỏ ra khoảng 3 năm để trải nghiệm thực tế. Điều này sẽ tốt cho sự nghiệp lâu dài của bạn. Chứ nếu có thêm tấm bằng thạc sỹ mà kinh nghiệm vẫn ít, độ xông xáo vẫn chưa có thì cũng không dễ tìm được việc làm tốt đâu. Sau 3 năm đó, bạn quyết định học thêm lên thạc sỹ cũng chưa muộn, lúc đó bạn cũng có thể cân nhắc học thạc sỹ trong nước hoặc theo các chương trình đào tạo của nước ngoài.
Túm lại, các bạn nên..
1. Xác định mục tiêu/định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
2. Kiên trì nộp đơn, tư tin nộp CV vào những vị trí mà bạn thấy phù hợp, yêu cầu công việc không quá cao (1,2 năm kinh nghiệm,…)
3. Update CV của mình lên tất cả các trang tuyển dụng: Vietnamworks, KiemViec, Linkedin…
4. Trong thời điểm hiện nay thì bạn nên lấy số lượng để bù chất lượng (nghĩa là bạn có thể chủ động nộp CV nhiều nơi khác nhau, để có nhiều cơ hội mời phỏng vấn; mở rộng phạm vi tìm việc sang các khu vực lân cận. Ví dụ, bạn không nhất thiết phải tìm được những công việc ở gần nơi bạn đang sinh sống)
5. Các bạn tự thấy mình có đam mê, nhưng đam mê là vô nghĩa nếu không đầu tư và tìm hiểu, vì thế dù là muộn, hay không nhưng bạn nên bắt đầu mày mò, tìm hiểu, nhờ thầy cô tư vấn sách vở về tự học. Tìm đọc thêm sách về Supply Chain, tiếng Anh, những vấn để về nó chứ không phải là sách học ở trường nhé, search trên Amazon
6. Ngoài ra việc “PR” bản thân thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn… cũng có tác dụng rất tốt. Tham gia các mạng xã hội sẽ giúp bạn có được những người bạn lớn tuổi giàu kinh nghiệm, có thể cho bạn lời khuyên chân thành, bổ ích. Bạn có thể nhấn mạnh kiến thức của mình thông qua những cập nhật thường xuyên trên tài khoản của mình. Bạn sẽ bất ngờ trước sức mạnh của mạng xã hội. (Điều này đặc biệt hữu khi bạn thất nghiệp.)
6. Và tất nhiên nữa, Trao dồi tiếng Anh thật nhiều (một điều mà rất nhiều người không để tâm tới), luyện với giọng Anh, Mỹ mức độ advanced ở 4 kĩ năng.
7. Hi vọng vận may sẽ tới với mình – Lạc quan là một điều rất cần thiết trong cuộc sống này. Lạc quan sẽ cho bạn niềm tin, không tin vào bản thân mình, tức là bạn đã thất bại một nửa trước khi bắt đầu.
Nhu cầu lao động của xã hội không phải là vô hạn, trong khi mỗi năm, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường với những ngành nghể khác nhau, và rồi đến một lúc nào đó, thị trường lao động + việc làm sẽ bão hoà, một số lượng lớn sinh viên sẽ không có việc làm trong một khoảng thời gian dài. Như vậy để “tồn tại” chúng ta cần phải khác biệt và vượt trội với những sinh viên mới ra trường khác, cũng như khi đã tiến hành đi làm, có kinh nghiệm, để “tồn tại” ta phải càng vượt trội + khác biệt hơn.

Chúc các bạn thành công. 

Theo Supply Chain Career
http://supplychaincareer.wordpress.com/